Đề thi thử tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ Văn - Năm học 2014-2015 - Trường THCS Thanh Hồng (Có đáp án)

“- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. (.) Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng.”

(Hoàng Lê nhất thống chí, Ngữ văn 9, tập 1)

 a. Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?

 b. Trình bày ngắn gọn ý nghĩa của đoạn văn.

 

doc5 trang | Chia sẻ: thúy anh | Ngày: 10/05/2023 | Lượt xem: 144 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi thử tuyển sinh Lớp 10 THPT môn Ngữ Văn - Năm học 2014-2015 - Trường THCS Thanh Hồng (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 (2 điểm):
	“- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. (...) Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng.”
(Hoàng Lê nhất thống chí, Ngữ văn 9, tập 1)
	a. Đoạn văn trên là lời của ai nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?
	b. Trình bày ngắn gọn ý nghĩa của đoạn văn.
Câu 2 (3 điểm):
	Từ ngày 01 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan án ngữ ngay đường biển từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra vùng biển Hoàng Sa. Trên 80 tàu bảo vệ, gồm cả tàu có trang bị tên lửa của Trung Quốc đã có những hành động cản trở và gây hấn với lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam, gây khó khăn cho ngư dân Việt Nam khi khai thác ở ngư trường truyền thống trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu cá của ngư dân Lộc ở đảo Lý Sơn đã bị tàu của Trung Quốc đâm hỏng, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù vậy, với ý chí quyết tâm sắt đá, ngư dân miền Trung vẫn tiếp tục vươn khơi, khai thác ở ngư trường truyền thống. 
 (Dẫn theo 
Suy nghĩ của em về ý chí và hành động của ngư dân miền Trung qua bản tin trên.
Câu 3 (5 điểm): 
	Vẻ đẹp thiên nhiên và con người qua đoạn thơ sau: 
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng, 
Ra đậu dặm xa dò bụng biển, 
Dàn đan thế trận lưới vây giăng. 
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
 (Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá, Ngữ văn 9, tập 1)
------------ Hết ------------
Họ và tên thí sinh: ..................................................................... SBD ...........................
Giám thị 1..................................................... Giám thị 1......................................................
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG THCS THANH HỒNG
HƯỚNG DẪN CHẤM
THI THỬ TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC: 2014 - 2015
MÔN: NGỮ VĂN
Câu
Nội dung
Điểm
Câu 1
(2đ)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
Biết viết đoạn văn ngắn, diễn đạt mạch lạc, cô đọng.
2. Yêu cầu về kiến thức: 
a. Đoạn văn là lời của vua Quang Trung phủ dụ quân lính trong cuộc duyệt binh ở Nghệ An, trước khi kéo quân ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh.
0.5
b. Ý nghĩa:
- Thông báo tình thế nguy cấp của đất nước: Quân Thanh xâm lấn nước ta, hiện đã ở Thăng Long.
0.25
- Khẳng định chủ quyền của đất nước và lập trường chính nghĩa của cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.
0.5
- Thể hiện trí tuệ sáng suốt, quyết đoán, nhạy bén; lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của vua Quang Trung.
0.75
Câu 2
(3đ)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
 - Học sinh biết làm bài nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống dưới hình thức bài văn có đủ ba phần.
 - Luận điểm chính xác, rõ ràng, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục, dẫn chứng thực tế cụ thể, sinh động. 
- Diễn đạt lưu loát, trình bày sạch đẹp.
2. Yêu cầu về kiến thức: 
* Lưu ý: Đây là vấn đề có ý nghĩa chính trị, thời sự của đất nước, học sinh cần dựa vào ngữ liệu trong đề bài và kiến thức thực tế để bày tỏ nhận thức đúng theo định hướng dưới đây.
a. Mở bài: Từ các sự kiện thực tế được dẫn trong bản tin để nêu vấn đề nghị luận: Ngư dân miền Trung kiên cường bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
b. Thân bài:
- Việc khai thác trong vùng biển Hoàng Sa của ngư dân là hoàn toàn hợp pháp, chính đáng vì đây là vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, được luật pháp quốc tế thừa nhận. Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Năm 1816, vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo, 
- Việc vươn khơi bám biển trong bối cảnh Trung Quốc uy hiếp, gây hấn thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần dũng cảm của ngư dân, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
 + Mưu sinh trên biển vốn đã chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro nay trở nên vô cùng nguy hiểm bởi hành động cản trở, gây hấn hung hăng của Trung Quốc với lực lượng nhiều tàu chiến đấu, trang bị vũ khí hiện đại. Nhiều tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc làm hư hại. Cụ thể, tàu của ngư dân Lộc ở đảo Lý Sơn đã bị tàu của Trung Quốc đâm hỏng, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
+ Bất chấp nguy hiểm, ngư dân miền Trung vẫn vươn khơi bám biển, khai thác ngư trường truyền thống. Họ hành động không chỉ vì mưu sinh mà còn vì ý thức trách nhiệm bảo vệ ngư trường mà hàng trăm năm trước cha ông ta đã đổ xương máu để cắm mốc và khẳng định chủ quyền, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là hành động anh hùng, đáng khâm phục - biểu hiện cụ thể, sinh động lòng yêu nước.
- Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước sát cánh cùng ngư dân bảo vệ chủ quyền đất nước bằng nhiều việc làm cụ thể: đấu tranh ngoại giao, biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc, cảnh sát biển và kiểm ngư bảo vệ ngư dân khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, các chiến sĩ hải quân vững tay súng bảo vệ biển đảo, doanh nghiệp ủng hộ vật chất, cộng đồng mạng phẫn nộ lên án hành động của chính quyền Trung Quốc, bày tỏ tinh thần sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc,  Dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc.
- Một số cá nhân có hành động quá khích (phá hoại tài sản các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp do Trung Quốc, Đài Loan làm chủ đầu tư) hoặc lợi dụng lòng yêu nước để có hành vi phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Hành động đó đáng lên án.
- Khi Tổ quốc lâm nguy, mỗi cá nhân cần nêu cao trách nhiệm, thể hiện lòng yêu nước bằng lao động xây dựng đất nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Học sinh cần học tập tốt. Cần suy nghĩ và hành động sáng suốt, tránh để kẻ xấu lợi dụng.
c. Kết bài:
- Trân trọng những ngư dân dũng cảm bám ngư trường.
- Trách nhiệm của bản thân với việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
2. Tiêu chuẩn cho điểm
- Điểm 3: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kể trên. Nhận thức sâu sắc, đánh giá sắc sảo.
- Điểm 2: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu kể trên; Văn viết trôi chảy, có thể mắc vài ba lỗi diễn đạt nhưng không làm sai ý người viết.
- Điểm 1: Nội dung sơ sài, nhận thức vấn đề chưa đầy đủ. Mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả kiến thức và kĩ năng.	
 Câu 3
(5đ)
1. Yêu cầu 
 * Về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận về tác phẩm thơ, vận dụng nhuần nhuyễn các phép lập luận, kết hợp tốt các phương thức biểu đạt.
- Bố cục rõ ràng chặt chẽ, văn viết mạch lạc, từ ngữ trong sáng, giàu cảm xúc.
- Không mắc lỗi về câu, từ, lỗi chính tả thông thường.
* Về kiến thức:
a. Mở bài: Dẫn dắt, khái quát nội dung, nghệ thuật đoạn thơ
b. Thân bài:
- Khung cảnh đánh cá giữa biển đêm được khắc họa bằng nhiều vẻ đẹp:
+ Vẻ đẹp của con người: được miêu tả ở nhiều góc độ: khỏe khoắn, đầy hứng khởi được thể hiện qua không khí lao động - hoạt động đánh bắt cá khẩn trương sôi nổi (Ra đậu dặm xa dò bụng biển / Dàn đan thế trận lưới vây giăng ; Ta hát bài ca gọi cá vào / Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao); tư thế, tầm vóc lớn lao, thậm chí sánh ngang cùng vũ trụ (Thuyền ta lái gió với buồm trăng / Lướt giữa mây cao với biển bằng); tình yêu, lòng biết ơn đối với biển cả (Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào). 
+ Vẻ đẹp giàu của thiên nhiên: không gian bao la, rộng mở, vừa kỳ vĩ vừa nên thơ với biển, trăng, sao, mây, gió (Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng; Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long); với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy tựa như vẻ đẹp của tranh sơn mài (Cá nhụ cá chim cùng cá đé / Cá song lấp lánh đuốc đen hồng / Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe); với sự giàu có, phong phú  của các loài cá trên biển. 
+ Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên hài hòa, hô ứng nhau tạo thành vẻ đẹp vừa tráng lệ, vừa gần gũi. Đặc biệt vẻ đẹp của thiên nhiên có tác dụng làm tôn lên vẻ đẹp và tầm vóc của con người. 
- Bút pháp lãng mạn với cảm hứng say sưa, bay bổng, với các thủ pháp khoa trương, phóng đại về hình ảnh con người, vũ trụ... đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đoạn thơ cũng như bài thơ này; Hình ảnh thơ: vừa kỳ vĩ, vừa lung linh, huyền ảo, được tạo nên bởi trí tưởng tượng bay bổng và những liên tưởng phong phú, bất ngờ; âm hưởng, giọng điệu trong đoạn thơ vừa sôi nổi, khỏe khoắn vừa bay bổng, nhịp thơ biến hóa linh hoạt,  góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ và con người.
- Đây là đoạn thơ đặc sắc của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, kết tinh vẻ đẹp, thể hiện giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bài thơ, góp phần khiến cho bài thơ trở thành khúc tráng ca khỏe khoắn, say sưa, bay bổng ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mới, cuộc sống mới động thời thể hiện sự biến chuyển về tư tưởng, tình cảm trong thơ Huy Cận.  
c. Kết bài: 
Khẳng định giá trị của đoạn thơ: truyền đến cho người đọc tình yêu biển cả, yêu lao động, yêu cuộc sống.
2. Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 5.0: Bài làm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên, khả năng cảm thụ văn học tốt, văn phong sâu sắc, sáng tạo.
- Điểm 4.0: Bài làm về cơ bản đạt các yêu cầu trên, nhất là yêu cầu về nội dung, cách lập luận. Có thể còn vài sai sót nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Văn viết trôi chảy, có thể mắc vài ba lỗi diễn đạt nhưng không làm sai ý người viết.
- Điểm 3.0: Bài làm đạt quá nửa số ý hoặc đủ ý nhưng dẫn chứng nghèo, thiếu sức thuyết phục. Diễn đạt có thể chưa tốt nhưng vẫn rõ ý. Còn mắc một số lỗi về câu, từ, chính tả nhưng không phải lỗi nặng.
- Điểm 1.

File đính kèm:

  • docde_thi_thu_tuyen_sinh_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2014_2.doc