Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT Chuyên Nguyễn Trãi môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương (Có đáp án)

Câu 2 (3,0 điểm)

Ngọn gió và cây sồi

Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ, điên cuồng thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng. Mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của nó. Riêng một cây sồi già vẫn im lặng chịu đựng cơn giận dữ đó và không hề gục ngã. Ngọn gió mỏi mệt đầu hàng và hỏi:

- Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?

Cây sồi từ tốn trả lời:

- Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gẫy hết các nhánh cây, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Tôi cũng phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.

 ( Theo Hạt giống tâm hồn- NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011)

Suy nghĩ của em về nội dung câu chuyện trên.

 

doc4 trang | Chia sẻ: Thúy Anh | Ngày: 05/05/2023 | Lượt xem: 329 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh Lớp 10 THPT Chuyên Nguyễn Trãi môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
HẢI DƯƠNG
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 
THPT CHUYÊN NGUYỄN TRÃI
NĂM HỌC: 2014-2015
MÔN: NGỮ VĂN (chuyên)
Thời gian: 150 phút ( không kể thời gian giao đề)
Đề thi gồm: 01 trang
Câu 1 (2,0 điểm): Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
 “  Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể những cái đó Hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy chiếc xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu” 
( Trích “ Những ngôi sao xa xôi” - Lê Minh Khuê)
1. Xác định ý chính của đoạn văn.
2. Tác dụng của hình thức liệt kê trong đoạn văn?
3. Câu văn:“Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên.”,có bạn chép nhầm từ “lung linh” thành “lấp lánh”. Em hãy cho biết từ nào phù hợp hơn? Vì sao?
Câu 2 (3,0 điểm) 
Ngọn gió và cây sồi
Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ, điên cuồng thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng. Mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của nó. Riêng một cây sồi già vẫn im lặng chịu đựng cơn giận dữ đó và không hề gục ngã. Ngọn gió mỏi mệt đầu hàng và hỏi:
- Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?
Cây sồi từ tốn trả lời:
- Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gẫy hết các nhánh cây, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Tôi cũng phải cảm ơn ông, ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.
 	 ( Theo Hạt giống tâm hồn-  NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011)
Suy nghĩ của em về nội dung câu chuyện trên.
Câu 3 (5,0 điểm)
 “ Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là bài thơ vừa có hình tượng đẹp vừa đầy ắp chất nhạc, chất thơ.
Em hãy làm rõ ý kiến trên.
. Hết .
 Họ và tên thí sinh: ......................................................... Số báo danh: ..................
 Chữ kí giám thị 1:................................... Chữ kí giám thị 2:................................... 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI DƯƠNG
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 
THPTCHUYÊN NGUYỄN TRÃI
NĂM HỌC: 2014-2015
MÔN: NGỮ VĂN (chuyên)
Hướng dẫn gồm: 03 trang
A. YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
 Lưu ý: Điểm bài thi có thể để lẻ đến 0,25 và không làm tròn số
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (2,0 điểm): 
1. Ý chính của đoạn văn: ( 0.5 điểm)
- Nỗi nhớ của nhân vật tôi về những kỉ niệm thời thơ ấu. 
- Tâm hồn nhân vật lãng mạn, giàu cảm xúc, trong sáng hồn nhiên.
2. Hình thức liệt kê tạo tác dụng: ( 0.5 điểm)
- Gợi dòng hoài niệm một cách tự nhiên, góp phần tái hiện nguyên vẹn kí ức xa xôi đẹp đẽ, thanh bình.
- Nhấn mạnh những kỉ niệm sâu đậm trong kí ức nhân vật tôi, mở ra và nối dài kí ức từ quá khứ đến hiện tại.
3. Học sinh giải thích nghĩa của hai từ “lung linh” và “lấp lánh” khi đặt trong văn cảnh. (1.0 điểm)
	-“Lung linh” và “lấp lánh” đều gợi tả ánh sáng, màu sắc sinh động, vui tươi.
	- Lung linh: + gợi tả chùm ánh sáng đẹp, biến ảo sinh động hơn từ “ lấp lánh”
	+ mang ấn tượng chủ quan, giàu cảm xúc lãng mạn hơn từ “ lấp lánh”, phù hợp với việc diễn tả hình ảnh bay bổng trong hoài niệm, trong cổ tích.
	Như vậy: sử dụng từ “ lung linh” hợp lý và chính xác hơn.
Câu 2 (3,0 điểm):
I. Yêu cầu
1. Về kỹ năng:
- Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội.
- Luận điểm đúng đắn, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát, lí lẽ thuyết phục.
- Có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn ngắn.
2. Về kiến thức: 
 Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
a. Giải thích:
- Ngọn gió là hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, những nghịch cảnh trong cuộc sống. 
- Cây sồi là hình ảnh tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự can đảm đối đầu, không gục ngã trước nghịch cảnh bất thường.
- Câu chuyện đề cao lòng dũng cảm, sự chiến thắng của cây sồi trước ngọn gió để nói về con người. Cuộc đời mỗi người ít hay nhiều đều phải trải qua những khó khăn, thử thách. Điều quan trọng là chúng ta đối mặt với nó như thế nào, vượt qua hay để nó vùi dập, cuốn trôi?
b. Bàn luận:
- Mẩu chuyện “Ngọn gió và cây sồi” toát lên ý nghĩa tích cực để lại cho chúng ta những suy ngẫm: 
 + Cuộc sống luôn ẩn chứa muôn vàn trở ngại, khó khăn và thách thức.
+ Muốn thành công trong cuộc sống, con người phải có lòng dũng cảm, nghị lực và bản lĩnh vững vàng, có khát vọng vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao để con người tự tin đối đầu và vượt qua được khó khăn thử thách của cuộc đời. 
 	+ Chính nghịch cảnh sẽ là môi trường tôi luyện để con người trưởng thành, mạnh mẽ hơn; là điều kiện để con người chứng tỏ được giá trị của bản thân.
	+ Nếu không có sức mạnh nội lực, tự thân, con người dễ dàng gục ngã, bị khuất phục trước những tác động của cuộc đời. Đó là con người yếu đuối, hèn nhát, không thể tự mình đến với thành công.
- Những con người dũng cảm và chiến thắng thử thách như cây sồi sẽ luôn được mọi người yêu quý, kính trọng.
c. Bài học:
- Đứng trước nghịch cảnh, con người không nên tuyệt vọng, bi quan, chán nản mà phải bình tĩnh, tự tin tận dụng mọi khả năng của bản thân để tìm ra các giải pháp cần thiết nhằm vượt qua các khó khăn, thử thách của cuộc sống.
- Phải tích cực rèn luyện sức mạnh thể chất và tôi luyện nguồn sức mạnh tinh thần để chủ động, sẵn sàng trước mọi sóng gió cuộc đời. 
- Biết lên án, phê phán những người có hành động và thái độ buông xuôi, thiếu nghị lực.
II. Biểu điểm:
- Điểm 3: Đạt được các yêu cầu nêu trên, lí lẽ thuyết phục, văn viết mạch lạc, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường. 
- Điểm 2: Đạt được quá nửa yêu cầu về nội dung. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1: Đạt được một nửa yêu cầu về nội dung, mắc nhiều lỗi về hình thức.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
Câu 3 (5,0 điểm):
I. Yêu cầu về kĩ năng và kiến thức:
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Có kĩ năng nghị luận về một tác phẩm thơ, thể hiện được năng lực cảm thụ về nội dung và nghệ thuật.
- Bố cục hợp lí rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Văn viết trong sáng có cảm xúc.
2 .Yêu cầu về kiến thức: 
Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
a. Giải thích ý kiến:
- Hình tượng đẹp là hình ảnh mang tính tượng trưng khái quát, có khả năng gợi liên tưởng sâu xa tới những ý nghĩa cao đẹp.
- Ý kiến trên nhấn mạnh đến tài năng của Thanh Hải trong việc xây dựng hình tượng và tạo chất nhạc, chất thơ để thể hiện nội dung, tư tưởng chủ đề của tác phẩm. 
b. Học sinh bình luận được về nhận định trên, phân tích được bài thơ làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản:
- Mùa xuân là hình tượng đẹp và xuyên suốt bài thơ. Từ hình ảnh tả thực mùa xuân - mùa khởi đầu của một năm, thời gian vạn vật sinh sôi nảy nở - Thanh Hải đã mang lại cho hình tượng nhiều ý nghĩa, mà nghĩa nào cũng thật gợi cảm, thật đáng yêu.
+ Gợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời: từ những hình ảnh dung dị của mùa xuân, tác giả đã tái hiện lên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế trong sáng thơ mộng và tràn đầy sức sống.
+ Gợi vẻ đẹp của quê hương đất nước ở hai phương diện: xây dựng và chiến đấu. Từ hình ảnh “lộc” non của mùa xuân giắt trên lưng người ra trận và trải dài nương mạ theo tay người gieo trồng, bài thơ đã khắc họa hình tượng lớn lao mà tươi đẹp - đất nước tràn trề sinh lực mới, đầy ắp thành quả mới
+ Gợi vẻ đẹp của con người trong sự hoá thân dâng hiến: cuộc đời con người với tất cả sức sống tươi trẻ nhất như “một mùa xuân nho nhỏ”, sẵn sàng hi sinh, đóng góp vào mùa xuân lớn của đất nước 
Bài thơ còn đầy ắp chất nhạc, chất thơ:
+ Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Nhạc điệu được tạo ra từ thể thơ năm chữ với cách gieo vần đầy biến hóa; cách ngắt nhịp linh hoạt; điệp từ, điệp ngữ phong phú
 + Chất nhạc dào dạt cất lên từ chính cuộc sống “vất vả và gian lao” mà tươi đẹp: tiếng chim chiền chiện hót vang trời, nhịp điệu hối hả và xôn xao của đất nước, nhịp phách tiền đất Huế 
 + Chất thơ tỏa ra từ bức tranh mùa xuân thơ mộng: nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, giàu ý nghĩa biểu tượng; đường nét, màu sắc hài hòa tinh tế; những nét dịu dàng đặc trưng của xứ Huế
 + Đặc biệt, chất thơ còn là mạch cảm xúc trữ tình bay bổng, biến đổi: lúc sôi nổi, hồn nhiên, tươi vui; lúc sâu lắng suy tư
	c. Đánh giá:
	- Lời nhận định đã khái quát những thành công nổi bật về phương diện nghệ thuật của bài “ Mùa xuân nho nhỏ”.
	- Chính hình tượng đẹp và chất nhạc, chất thơ đã góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật dung dị mà tài hoa của Thanh Hải.
II. Tiêu chuẩn cho điểm
- Điểm 5: Đạt được các yêu cầu nêu trên, văn viết mạch lạc, có cảm xúc, thể hiện sự sáng tạo, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường. 
- Điểm 3: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức, còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1: Chưa đạt được yêu cầu nêu trên, nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_chuyen_nguyen_trai_mon_ngu_van.doc