Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2013-2014 - Phòng GD&ĐT Châu Thành (Có đáp án)

Đề:

 Câu 1. (6 điểm)

 Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Em hãy viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng trên.

 Câu 2. (14 điểm)

 Cảm nhận của em như thế nào về nét đẹp ân tình, chung thuỷ của con người Việt Nam qua hai bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) và Ánh trăng (Nguyễn Duy)?

 

docx5 trang | Chia sẻ: Khải Anh | Ngày: 10/05/2023 | Lượt xem: 408 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2013-2014 - Phòng GD&ĐT Châu Thành (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI
HUYỆN CHÂU THÀNH
CẤP HUYỆN
NĂM HỌC: 2013-2014
MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian: 120 phút (Không kể phát đề)
 Đề:
 Câu 1. (6 điểm)
 Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Em hãy viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng trên.
 Câu 2. (14 điểm)
 Cảm nhận của em như thế nào về nét đẹp ân tình, chung thuỷ của con người Việt Nam qua hai bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) và Ánh trăng (Nguyễn Duy)? 
_____ Hết _____
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN 8
NĂM HỌC: 2013-2014
 Câu 1. (6 điểm)
1 . Yêu cầu về kỹ năng
- Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội.
- Luận điểm đúng đắn, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát, lí lẽ thuyết phục.
- Viết thành bài văn ngắn.
2. Yêu cầu về kiến thức 
Cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
a. Về hình thức
Trình bày thành bài văn nghị luận ngắn, có bố cục ba phần rõ ràng (mở bài, thân bài và kết luận), khoảng một trang giấy thi.
b.Về nội dung 
- Giải thích hiện tượng: là hiện tượng có thể bắt gặp trong thiên nhiên, gợi tả sức chịu đựng, sức sống kỳ diệu của những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp ngay trong một vùng sỏi đá khô cằn (có thể đi từ việc giải thích từ ngữ: vùng sỏi đá khô cằn chỉ sự khắc nghiệt của môi trường sống; loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp: sự thích nghi, sức chịu đựng, sức sống, vẻ đẹp). 
- Trình bày suy nghĩ: hiện tượng thiên nhiên nói trên gợi suy nghĩ về vẻ đẹp của những con người - trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào vẫn thể hiện nghị lực phi thường, sức chịu đựng và sức sống kỳ diệu nhất. Đối với họ, nhiều khi sự gian khổ, khắc nghiệt của hoàn cảnh lại chính là môi trường để tôi luyện, giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống. Những chùm hoa thật đẹp - những chùm hoa trên đá (thơ Chế Lan Viên), thành công mà họ đạt được thật có giá trị vì nó là kết quả của những cố gắng phi thường, sự vươn lên không mệt mỏi. Vẻ đẹp của những cống hiến, những thành công mà họ dâng hiến cho cuộc đời lại càng có ý nghĩa hơn, càng rực rỡ hơn
- Liên hệ với thực tế (trong đời sống và trong văn học) để chứng minh cho cảm nhận, suy nghĩ nói trên. 
 + Trong thực tế cuộc sống: Những con người không chịu thua số phận: Nguyễn Ngọc Kí...; những vận động viên paragemes... đem về cho đất nước những tấm huy chương vàng.
 + Trong văn học: Nhà thơ Thanh Hải trong những ngày tháng cuối đời mình phải nằm trên giường bệnh chống chọi với căn bệnh quái ác thế nhưng vẫn viết lên những vần thơ thể hiện tình yêu mến thiết tha với đất nước, với cuộc đời và ước nguyện chân thành cống hiến cuộc đời mình cho cuộc đời chung, sự cống hiến ấy diễn ra suốt cuộc đời không ngừng nghỉ:
 	“Một mùa xuân ..Dù là khi tóc bạc”
Hay nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long mặc dù phải sống trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt nhưng vẫn vượt qua và thể hiện một lẽ sống đẹp âm thầm lặng lẽ cống hiến cho cuộc đời khiến mọi người phải khâm phục.
- Nêu tác dụng, bài học rút ra từ hiện tượng: những con người với vẻ đẹp của ý chí, nghị lực luôn là niềm tự hào, ngưỡng mộ của chúng ta, động viên cảnh tỉnh những ai chưa biết chấp nhận khó khăn, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống 
 3. Cách cho điểm
- Điểm 5-6: Đạt được các yêu cầu nêu trên, lí lẽ thuyết phục, văn viết mạch lạc, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường. 
- Điểm 3-4: Đạt được quá nửa yêu cầu về nội dung. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 1-2: Đạt được một nửa yêu cầu về nội dung, mắc nhiều lỗi về hình thức.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
 Câu 2. (14 điểm)
A. Yêu cầu 
1. Yêu cầu về kĩ năng
Biết làm bài nghị luận văn học về một vấn đề trong một nhóm các tác phẩm thơ; thao tác tổng hợp tốt, bố cục 3 phần rõ ràng chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức
a. Giới thiệu về vấn đề bàn luận và hai tác phẩm theo yêu cầu đề bài.
b. Triển khai bày tỏ cảm nhận và suy nghĩ về truyền thống ân tình, chung thuỷ của con người Việt Nam trên cơ sở những ý chính sau:
b1. Trong bài thơ Bếp lửa, truyền thống ân tình, chung thuỷ được thể hiện trong tấm lòng của người cháu yêu thương và nhớ ơn bà khi đã khôn lớn trưởng thành: 
Khi đã trưởng thành, người cháu vẫn nhớ về những năm tháng tuổi thơ xa cha mẹ, sống bên bà, trong tình yêu thương chăm sóc của bà.
 Giờ cháu đã đi xa .
 Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Cháu ( nhân vật trữ tình) xót xa, thương cảm, thấu hiểu cuộc đời bà nhiều gian nan cơ cực:
 Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
 Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa.
Cháu khẳng định công lao to lớn của bà, ngọn lửa từ tay bà nhóm lên trở thành ngọn lửa thiêng liêng kì diệu trong tâm hồn cháu, toả sáng và sưởi ấm suốt cuộc đời cháu 
 Nhóm dậy cả những tâm tình.
 Ôi kì lạ và thiêng liêng..
b2. Trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, truyền thống ân tình chung thuỷ được thể hiện qua tâm tình người chiến sĩ:
	Anh( nhân vật trữ tình) gắn bó với vầng trăng, với thiên nhiên nghĩa tình khi là người chiến sĩ 
 Hồi chiến tranh ở rừng 
 Vầng trăng thành tri kỉ 
Anh đau xót nghĩ tới những tháng ngày đầu tiên trở về thành phố, quen dần với cuộc sống hào nhoáng, anh đã lãng quên và quay lưng với quá khứ, với những năm tháng gian lao, sâu nặng ân nghĩa vừa trải qua
 Vầng trăng đi qua ngõ
 như người dưng qua đường 
Anh giật mình, thức tỉnh lương tâm khi mặt người và mặt trăng đối diện nhau, quá khứ ùa về trong tâm thức:
 Có cái gì rưng rưng 
 như là đồng là bể
 như là sông là rừng 
Anh suy ngẫm và nhắn nhủ với mọi người: Nhân dân, đất nước luôn độ lượng vị tha, tròn đầy ân nghĩa. Hãy biết sống ân tình chung thuỷ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất nước:
 Trăng cứ tròn vành vạnh.
 đủ cho ta giật mình
Khái quát: Ân tình, chung thuỷ luôn là truyền thống đẹp của dân tộc, truyền thống ấy bao trùm cách sống, cách ứng xử của con người Việt Nam trong mọi quan hệ. Từ mối quan hệ gia đình như tình bà cháu trong bài Bếp lửa đến mối quan hệ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất nước như người chiến sĩ trong bài Ánh trăng.(Có thể liên hệ: « Việt Bắc » của Tố Hữu. )
c. Vài nét về nghệ thuật thể hiện: 
c1. Bếp lửa: 
 - Thể thơ tám chữ, âm hưởng giọng điệu tha thiết, tràn trề cảm xúc
 - Hình ảnh thơ (bà, bếp lửa) bình dị mà gợi cảm, có sức lay động tâm hồn người Việt.
c2. Ánh trăng: 	
 - Thể thơ năm chữ, giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng mà chất chứa suy tư day dứt.
 - Hình tượng vầng trăng, ánh trăng mang tính biểu tượng gợi những suy tưởng sâu xa
B. Tiêu chuẩn cho điểm
- Điểm 12-14: Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, thể hiện sự sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 9-11 Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, mắc ít lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 6-8: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 3-5: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 1-2: Chưa đạt yêu cầu nêu trên. Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: Khi cho điểm giáo viên cần trân trọng những cảm nhận tinh tế, cách viết sáng tạo của học sinh để cho điểm phù hợp.
CẤU TRÚC ĐỀ:
Câu 1.
- Kiểu bài văn nghị luận ở chương trình lớp 7. (vấn đề xã hội)
- Tuần 22
- Tiết 99-100: Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống. (Lớp 9)
Câu 2.
- Tuần 12
- Tiết 56. Bếp lửa
- Tuần 12.
- Tiết 58. Ánh trăng.
- Kiểu bài nghị luận ở chương trình lớp 7. (vấn đề văn học)
- Tuần 26
- Tiết 118-119: Nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích (Lớp 9)

File đính kèm:

  • docxde_thi_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_9_nam_hoc_201.docx