Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2012-2013 - Phòng GD&ĐT Bình Giang (Có đáp án)

Câu 1. (2,0 điểm):

 Người xưa nói " Thi trung hữu họa".

 Em hãy viết đoạn văn quy nạp làm sáng tỏ điều ấy qua bộ tranh tứ bình trong bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ.

Câu 2. (3,0 điểm):

 Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào".

 Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy nói rõ quan niệm của em về vấn đề này.

Câu 3. (5,0 điểm):

 " Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

 Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

 Vần thơ của Bác vần thơ thép

 Mà vẫn mênh mông bát ngát tình".

 (Hoàng Trung Thông)

 

doc4 trang | Chia sẻ: Khải Anh | Ngày: 28/04/2023 | Lượt xem: 447 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2012-2013 - Phòng GD&ĐT Bình Giang (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD & ĐT BÌNH GIANG
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG 
NĂM HỌC 2012 - 2013
MÔN: NGỮ VĂN- LỚP 8
 (Thời gian làm bài 120 phút không kể giao đề)
(Đề thi gồm 01 trang)
Câu 1. (2,0 điểm):
	Người xưa nói " Thi trung hữu họa".
	Em hãy viết đoạn văn quy nạp làm sáng tỏ điều ấy qua bộ tranh tứ bình trong bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ.
Câu 2. (3,0 điểm):
	Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào".
	Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy nói rõ quan niệm của em về vấn đề này.
Câu 3. (5,0 điểm):
	" Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
	 Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
	 Vần thơ của Bác vần thơ thép
	 Mà vẫn mênh mông bát ngát tình".
	(Hoàng Trung Thông)
	Em hiểu thế nào về chất thép, chất tình trong đoạn thơ trên? Bằng hai bài thơ "Ngắm trăng", "Đi đường" trong tập "Nhật kí trong tù" của Hồ Chí Minh em hãy làm sáng tỏ vấn đề đó.
...... Hết .....
Họ tên thí sinh:Số báo danh:...
Chữ kí giám thị 1:  Chữ kí giám thị 2:
PHÒNG GD & ĐT BÌNH GIANG
HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI
NĂM HỌC 2012 - 2013
Môn : Ngữ Văn - Lớp 8
Câu
Yêu cầu cần đạt
Điểm
Câu 1
(2 điểm)
*Yêu cầu về kĩ năng: học sinh trình bày thành đoạn văn quy nạp.
* Yêu cầu về kiến thức:
- "Thi trung hữu họa" - Trong thơ có tranh. Thế Lữ bằng chất liệu ngôn ngữ đã vẽ nên bộ tranh tứ bình về "chúa sơn lâm" khá hoàn hảo.
+ " Nào đâu ... trăng tan" : Cảnh đêm trăng trên dòng suối đại ngàn. Hổ no mồi say sưa ngắm cảnh đẹp huyền ảo.
+ " Đâu những ngày ... đổi mới": Cảnh mưa rung chuyển đại ngàn. Hổ lặng ngắm giang sơn đổi mới.
+" Đâu những bình minh ... tưng bừng" : bình minh tinh khôi, mới mẻ. Hổ vẫn ngủ "tưng bừng" khi mọi vật đã thức dậy.
+ " Đâu những chiều ... gay gắt": Hổ là mãnh thú uy nghi đợi màn đêm buông xuống, nó sẽ là chúa tể của muôn loài.
- Nghệ thuật: phối cảnh hài hòa, bố cục thẩm mĩ, đường nét thanh tao, gam màu chuẩn xác, kết hợp với các phép tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ, nhân hóa, câu hỏi tu từ ... tạo nên bộ tranh bằng ngôn ngữ độc đáo, đặc sắc.
* Lưu ý: Trong trường hợp học sinh không viết thành đoạn văn quy nạp thì giám khảo trừ 0,5 điểm.
0,5 đ
0.25đ
0.25 đ
0.25 đ
0.25 đ
0.5 đ
Câu 2
(3 điểm)
*Yêu cầu về kĩ năng: học sinh trình bày thành bài văn nghị luận giải thích kết hợp trình bày quan điểm của bản thân. 
* Yêu cầu về kiến thức:
a. Ý nghĩa câu ngạn ngữ:
- Câu ngạn ngữ có phép ẩn dụ: chùm rễ đắng cay, hoa quả ngọt ngào- tạo nên nghĩa hàm súc, cô đọng.
- Học vấn được hiểu là trình độ hiểu biết của người có học.
- Con đường đi tới học vấn đầy khó khăn, gian khổ (những chùm rễ đắng cay).
- Học vấn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người (hoa quả ngọt ngào).
- Phải nhìn thấy cả hai mặt của vấn đề và cần xác định rõ chỉ có không ngại khó, chúng ta mới có thể thành công trong học tập.
b. Khẳng định chân lí trong câu ngạn ngữ:
- Có học vấn thì con người mới có đủ khả năng làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, nhất là làm chủ vận mệnh của mình. Trên cơ sở ấy, đời sống vật chất và tinh thần mới được nâng cao.
- Muốn có học vấn cao phải nỗ lực không ngừng. Lao động trí óc vất vả, phải lao tâm khổ trí.
- Cần có thái độ khó khăn mấy cũng không lùi bước. Thắng không kiêu, bại không nản.
- Tấm gương tiêu biểu vượt khó trong học tập: Bác Hồ nghiêm túc trong học tập nên đã đạt tới trình độ học vấn cao, giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải toán học lừng danh trên thế giới, các thủ khoa trong các đợt thi vào đại học hàng năm...Lấy dẫn chứng trong học tập và rèn luyện của bản thân, của những người mà mình biết để làm sáng tỏ thêm chân lí trong câu ngạn ngữ trên.
c. Mở rộng và nâng cao (bày tỏ quan điểm):
- Học vấn không chỉ là tri thức mà còn bao gồm cả việc rèn luyện tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách cao quý. Để đạt được những điều đó, chúng ta cần cố gắng rất nhiều. Từ bỏ một thói xấu, làm một việc tốt cũng cần phải đấu tranh với bản thân, vượt qua khó khăn, thử thách.
- Không phải khi nào trong quá trình học tập cay đắng cũng đến trước, ngọt ngào đến sau. Trong học tập nhiều lúc vừa có nỗi khổ vừa có niềm vui. Khi đã ham học, chăm học thì sự say mê sẽ làm ta quên cả mệt nhọc. Những lúc đó, kết quả học tập đạt được sẽ rất cao.
* Tiêu chuẩn cho điểm câu 2:
- Điểm 3: Bài viết đảm bảo đầy đủ yêu cầu về kiến thức và kĩ năng. Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng hợp lí, tiêu biểu. 
 - Điểm 2: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, diễn đạt mạch lạc, luận điểm rõ ràng.
- Điểm 1: Bài viết còn sơ sài, mắc một số lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc làm sai lạc hoàn toàn với yêu cầu của đề bài.
Giám khảo cho điểm linh hoạt các điểm lẻ còn lại.
Câu 3
(5 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận giải thích vấn đề gợi ra từ một câu tục ngữ; kết hợp bày tỏ quan điểm của bản thân.
- Lí lẽ, dẫn chứng tiêu biểu, bố cục hợp lí; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh nêu được những ý sau:
* Giải thích:
- Thép: Tinh thần "thép" vượt lên trên hoàn cảnh; sự tự do về mặt tinh thần, tinh thần lớn lao, cao cả; lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.
- Tình: vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, yêu thiên nhiên tha thiết, mãnh liệt.
* Chứng minh: h/s có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song đảm bảo các ý sau:
- Bài "Ngắm trăng":
+ Thép là cuộc vượt ngục về mặt tinh thần, lạc quan yêu đời.
+ Tình: yêu trăng, băn khoăn, bối rối không biết lấy gì để thưởng trăng, cho xứng với vẻ đẹp có trăng; trăng và thi nhân có cuộc giao cảm độc đáo...
- Bài "Đi đường".
+ Thép: vượt lên trên hoàn cảnh gian khó của quãng đường đèo núi khi bị giải từ nhà lao này đến nhà lao khác.
+ Tình: mãn nguyện với cảnh đẹp thiên nhiên mở ra khi lên đến đỉnh cao nhất.
+ Lớp nghĩa ẩn dụ bộc lộ chất thép: tin tưởng vào thắng lợi to lớn của cách mạng sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách...
* Đánh giá:
- Chất thép chất tình hòa quyện trong thơ Bác, có mối quan hệ độc đáo. Đó cũng là vẻ đẹp "chiến sĩ" và "thi sĩ" trong thơ Bác.
(Đan xen phân tích giá trị nghệ thuật của hai bài thơ)
* Tiêu chuẩn cho điểm câu 3:
- Điểm 5: Bài viết đảm bảo đầy đủ yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, sử dụng lí lẽ, dẫn chứng hợp lí, tiêu biểu. Xây dựng hệ thống luận điểm rõ ràng, văn viết có cảm xúc.
- Điểm 4: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, còn một số lỗi sai về dùng từ, câu, chính tả.
- Điểm 3: Làm đúng bài văn nghị luận song chưa sử dụng được nhiều lí lẽ, dẫn chứng sắc sảo, diễn đạt khá.
- Điểm 2: Bài văn nghị luận còn sơ sài, còn mắc một số lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 1: Trình bày sơ sài, chưa biết phân tích, nhận xét, đánh giá
- Điểm 0: Không làm bài hoặc làm sai lạc hoàn toàn với yêu cầu của đề bài.
Giám khảo cho điểm linh hoạt các điểm lẻ còn lại.
----------------Hết-----------------

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_truong_mon_ngu_van_lop_8_nam_h.doc
Giáo án liên quan