Nhân vật và biểu tượng trong ca dao

Ca dao là mảnh đất văn học dân gian màu mỡ, là tiếng nói vọng lại cuả vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt. Ca dao là tiếng vọng ngàn năm của cha ông, phản ánh đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần của nhân dân. Nhân vật và biểu tượng trong ca dao được đề cập hết sức phong phú và mang những ý nghĩa tượng trưng đầy giá trị nhân văn.

 1.Nhân vật trong ca dao:

 Nhân vật trong ca dao là nhân vật trữ tình tâm trạng. Đây là nhân vật giao tiếp nên có nhân vật là chủ thể trữ tình và nhân vật là đối tượng trữ tình. Nhân vật trung tâm của ca dao là nhân vật Nam – Nữ song hành với nhau theo từng cặp giao tiếp đối đáp hay từng phe đối lập. Hai vai Nam – Nữ là hai vai vừa tương hợp vừa đối kháng, vừa cân bằng vừa đối trọng.

 

docx7 trang | Chia sẻ: nguyenngoc | Lượt xem: 2794 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân vật và biểu tượng trong ca dao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Nhân vật và biểu tượng trong ca dao.
	Ca dao là mảnh đất văn học dân gian màu mỡ, là tiếng nói vọng lại cuả vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt. Ca dao là tiếng vọng ngàn năm của cha ông, phản ánh đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần của nhân dân. Nhân vật và biểu tượng trong ca dao được đề cập hết sức phong phú và mang những ý nghĩa tượng trưng đầy giá trị nhân văn.
	1.Nhân vật trong ca dao:
	Nhân vật trong ca dao là nhân vật trữ tình tâm trạng. Đây là nhân vật giao tiếp nên có nhân vật là chủ thể trữ tình và nhân vật là đối tượng trữ tình. Nhân vật trung tâm của ca dao là nhân vật Nam – Nữ song hành với nhau theo từng cặp giao tiếp đối đáp hay từng phe đối lập. Hai vai Nam – Nữ là hai vai vừa tương hợp vừa đối kháng, vừa cân bằng vừa đối trọng.
	Các kiểu nhân vật trong ca dao có thể xét trên các phương diện sau:
	a.Trên phương diện tình yêu đôi lứa, nhân vật ca dao thể hiện tất cả vẻ đẹp phong phú của những cung bậc tình cảm trong tình yêu nam nữ:
	Khi yêu nhau, người yêu bao giờ cũng đẹp:
	-Cổ tay em trắng như ngà
	Con mắt em sắc như là dao cau
	Miệng cười như thể hoa ngâu
	Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
	-Trúc xinh trúc mọc đầu đình 
	Em xinh em đứng một mình cũng xinh
	Nhân vật ca dao là nhân vật tâm trạng nên mang đầy đủ những dạng thức tình cảm trong tình yêu đôi lứa. Ví dụ:
Nét quyến luyến, vấn vương trong lời tỏ tình:
	-Đến đây mận mới hỏi đào 
	Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
	Mận hỏi thì đào xin thưa
	Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
	-Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
	Tre nón đủ lá đan sàng nên chăng?
	Đan sàng thiếp cũng xin vâng
	Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?
Nét thương nhớ, tương tư khi xa cách:
	-Nhớ ai nhớ mãi thế này
	Nhớ ai ai nhớ đêm ngày nhớ ai?
	Nhớ ai, ai có nhớ ai?
	Nhớ da nhớ diết, biết có ai nhớ mình?
	-Tương tư nằm chẳng đặng an
	Đến đây cho thấy mặt nàng giải khuây
Nét táo bạo suồng sã:
	-Tiện đây anh nắm cổ tay
	Anh hỏi câu này có lấy anh không?
Niềm hy vọng, khát vọng hạnh phúc:
	-Ước sao cho hợp một nhà
	Chồng loan vợ phượng đôi ta chung tình
	-Ước sao đây vợ đấy chồng
	Đây bế con gái, đấy bồng con trai
Nét thất tình, buồn thương não nề:
	-Anh bước ra ba bước lại dừng
	Quế đây không ngậm, ngậm gừng chi cay
	Em có chồng sao em chẳng cho hay
	Để anh mòn mỏi đêm ngày đợi trông
	-Trúc đợi mai, mai không đợi trúc
	Sao chẳng nhớ lời giao ước thưở xưa?
Nét than thân trách phận, vô duyên trong tình yêu:
	-Em như cây quế giữa rừng 
	Thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay
	-Nước Đông Triều chảy ra lai láng
	Ta với mình là đáng lấy nhau
	Bởi vì trắc trở về đâu
	Cho nên đôi lứa xa nhau thế này.
	b.Trên phương diện các mối quan hệ gia đình, nhân vật trong ca dao cũng được đề cập ở nhiều vị trí khác nhau. Nhưng dù ở vị trí nào, nhân vật ca dao cũng bị ràng buộc trong các quan niệm ứng xử theo truyền thống văn hóa xử thế của người Việt.
	Nhân vật ca dao có khi là một người con trong gia đình thì phải giữ tròn đạo hiếu với cha mẹ. Đó có thể là lòng biết ơn, kính trọng, yêu thương cha mẹ:
	-Công cha như núi ngất trời
	Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông
	Núi cao biển rộng mênh mông
	Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi
	-Nuôi con khó nhọc đến giờ
	Trưởng thành con phải biết thờ hai thân
	Thức khuya dậy sớm chuyên cần
	Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con
	Là người con thì phải biết vâng lời cha mẹ, nhất là con gái thì phải giữ đạo tam tòng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên có khi nhân vật ca dao phải than thân trách phận, chịu tủi hờn vì bị ép duyên:
	-Mẹ em tham thúng xôi rền
	Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
	Em nói với mẹ rằng đừng
	Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
	Bây giờ chồng thấp vợ cao
	Như đôi đũa lệch so sao cho bằng
	-Đôi ta làm bạn thong dong
	Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng
	Bởi chưng bác mẹ nói ngang
	Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau
	Nhân vật ca dao còn mang tâm trạng nhớ thương cha mẹ vì phận làm dâu xa cách:
	-Chiều chiều ra đứng ngõ sau
	Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
	Trong các mối quan hệ gia đình người Việt thì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng thường được bàn đến. Trong chế độ cũ, người mẹ chồng thường là nỗi kinh hoàng của các nàng dâu vì sự cay nghiệt, coi con dâu như người làm không công , phải gánh chịu những đắng cay cho xứng với cái đắng cay trước đây mẹ chồng cũng từng gánh chịu: Nhân vật người con dâu thường mang tâm trạng sợ hãi khi đứng trước mẹ chồng:
	-Đói lòng ăn nắm lá sung
	Nhác thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi
	-Trách cha trách mẹ nhà chàng
	Cầm vàng mà chẳng biết vàng hay thau
	Thật vàng chẳng phải thau đâu
	Đừng đem thử lửa cho đau lòng vàng
	Trong mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình cũng mang nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Với quan niệm “tam tòng tứ đức” hay “trai nam thê bảy thiếp, gái thủ tiết thờ chồng” thì mối quan hệ vợ chồng cũng có nhiều dạng thức khác nhau:
	Có thể là quan hệ tốt đẹp, thủy chung, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”:
	-Chồng em áo rách em thương
	Chồng người áo gấm xông hương mặc người
	-Râu tôm nấu với ruột bầu
	Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
	Có khi là sự lạnh nhạt, lệch lạc vì hôn nhân không có tình yêu:
	-Chàng ơi phụ thiếp làm chi
	Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
	-Bòng bòng cõng chồng đi chơi
	Đi qua sông lớn đánh rơi mất chồng
	Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sòng
	Để tôi tát nước múc chồng tôi lên
	Trong quan hệ vợ chồng, nhân vật ca dao cũng đề cập đến quan hệ vợ cả - vợ lẽ. Thân phận vợ lẽ phải chịu đọa đày như con ở, phải chịu sự rẻ rúng vì kiếp chồng chung. Có thể nói đây là một loại nhân vật đầy bi kịch, là nạn nhân của chế độ đa thê:
	-Thân em lấy lẽ chả hề
	Có như chính thất mà lê giữa đường
	Tối tối chị giữ mất buồng
	Cho em manh chiếu đắp suông nhà ngoài
	Sáng sáng chị gọi: Ớ Hai!
	Bấy giờ trở dậy thái khoai băm bèo
	Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
	Cho nên tôi phải băm bèo thái khoai
	Có thể nói nhân vật trữ tình trong ca dao là nhân vật mang nhiều tâm trạng. Nhân vật trữ tình gắn với nhưng vai giao tiếp cụ thể và bị ràng buộc bởi các quan hệ ứng xử, các quan niệm về văn hóa đạo đức. Trong các nhân vật ca dao thì người phụ nữ được nói đến nhiều nhất với những ràng buộc của đạo tam tòng tứ đức, chế độ nam quyền. Ca dao là một phương tiện để nói hộ tiếng lòng, tâm trạng của con người trong xã hội ngày xưa.
	2.Một khái niệm khác trong ca dao cũng thường được nhắc đến là các biểu tượng. Có thể nói biểu tượng là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho một lớp người, một dạng thân phận. Biểu tượng thường là những hình ảnh rất gần gũi với văn hóa làng xã, văn hóa nông nghiệp của người Việt.
	Biểu tượng con vật như con cò, cái bống. Theo Vũ Ngọc Phan, các cò có thể là hình ảnh của cả nam lẫn nữ. Nếu là nam, thì thường chỉ trích đức tính vũ phu, cục mịch của các ông chồng. Nếu là nữ, thì thường bàn đến sự tảo tần hôm sớm, lận đận vì chồng con của người vợ, người mẹ:
	-Cái cò là cái cò quăm
	Mày hay đánh vợ mày nằm với ai
	-Con cò lặn lội bờ sông
	Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
	-Cái cò đi đón cơn mưa
	Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Hình ảnh con cò vất vả thường kiếm ăn trên đồng ruộng dưới bờ ao. Con cò tuy lặn lội nơi đồng nước nhưng vẫn trắng trong, thanh cao. Con cò vì thế cũng là biểu tượng cho người nông dân một nắng hai sương vất vả trên cánh đồng:
	-Con cò mày đi ăn đêm
	Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
	Ông ơi ông với tôi nao
	Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
	Có xáo thì xáo nước trong
	Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
	Còn biểu tượng cái bống thì gắn liền với hình ảnh người phụ nữ. Cái bống nhỏ bé, hiền hậu là hình ảnh cô Tấm trong truyện cổ đã hóa thân thành những người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, đầy nhẫn nhục trong ca dao:
	-Cái bống cõng chồng đi chơi
	Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
	Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sòng
	Để tôi tát nước múc chồng tôi lên	
	Trong tình yêu đôi lứa,ca dao có nhiều biểu tượng để chỉ về nam và nữ như mận – đào, mai – trúc,thuyền – bến, mây – núi, cam – quýt... để thể hiện không gian đẹp đẽ, lãng mạn đầy thi vị trong tình yêu:
	-Đến đây mận mới hỏi đào
	Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
	Mận hỏi thì đào xin thưa
	Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
	-Hôm qua sum họp trúc mai
	Tình chung một khúc, nghĩa dài trăm năm
	-Thuyền về có nhớ bến chăng
	Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
	-Núi kia tơ tưởng về mây
	Phượng hoàng tơ tưởng về cây ngô đồng
	-Vì cam cho quýt đèo bòng
	Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương
	Có thể nói biểu tượng trong ca dao là vô cùng phong phú với những hình ảnh gần gũi của đồng ruộng, làng quên. Các biểu tượng tự thân nó chở những giá trị tình cảm của con người nên chúng có một sức sống mạnh mẽ trong tiềm thức mỗi người Việt.
	Trong các thể loại văn học dân gian, ca dao là một thể loại được rất nhiều người yêu thích. Không ai là không thuộc ít nhiều ca dao vì nó lung linh vẻ đẹp văn hóa dân tộc. Nhân vật và biểu tượng trong ca dao là những phạm trù rộng lớn phản ánh vẻ đẹp ấy. Nhân vật và biểu tượng trong ca dao gợi nhắc đến đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần của người Việt – chính vì vậy đã góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, tình cảm và bồi đắp tình yêu quê hương, tình yêu con người trong trái tim những người dân Việt./.
	NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN

File đính kèm:

  • docxNHAN VAT VA BIEU TUONG TRONG CA DAO.docx