Ngữ văn 11 - Bài Sử dụng chất giọng dân gian hay xu hướng bình dị hóa trong thơ Tú Xương
SỬ DỤNG CHẤT GIỌNG DÂN GIAN HAY XU HƯỚNG BÌNH DỊ HÓA TRONG THƠ TÚ XƯƠNG
Tú Xương là nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Sống trong hoàn cảnh xã hội thuộc địa nửa phong kiến buổi đầu, cái quái thai mà thực dân đẻ ra, đem bôi trát lên đất nước ta hồi đầu thế kỉ. Với tất cả sự khinh khi, căm giận, đau xót của tấm lòng yêu nước, biết tủi nhục trước cảnh nô lệ, biết tôn trọng truyền thống đạo đức của dân tộc. Ông điều chế cho mình một kháng thể tinh thần độc đáo bằng cách tìm đến một bầu không khí khác hẳn, trút hết mọi thứ khệnh khạng trở về với hồn thơ tươi trẻ, thân mật nhưng không hề thoát li hiện thực cuộc sống. Để từ đó, Tú Xương cống hiến cho văn học trung đại nhiều giọng thơ đặc sắc. Tiếng cười trong thơ ông là tiếng cười đa âm, đa điệu. Bên cạnh giọng cười, Tú Xương còn đóng góp một giọng điệu mới mẻ, đó là giọng tâm tình. Chỉ đến Tú Xương, cái giọng tâm tình mới đủ xương thịt và hồn vía để nổi bật lên thành nét đặc trưng của giọng điệu thơ. Cuối cùng cần phải kể đến chất giọng dân gian, vận dụng ngôn ngữ dân tộc gắn liền với xu hướng bình dị hóa trong thơ ông. Nhiều hình tượng nghệ thuật, nhiều cách diễn đạt của quần chúng trong kho tàng văn học dân gian khi đi vào thơ Tú Xương đã được thêm nghĩa, thay từ, được tô điểm làm nên sự hấp dẫn đối với người đọc.
SỬ DỤNG CHẤT GIỌNG DÂN GIAN HAY XU HƯỚNG BÌNH DỊ HÓA TRONG THƠ TÚ XƯƠNG Tú Xương là nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Sống trong hoàn cảnh xã hội thuộc địa nửa phong kiến buổi đầu, cái quái thai mà thực dân đẻ ra, đem bôi trát lên đất nước ta hồi đầu thế kỉ. Với tất cả sự khinh khi, căm giận, đau xót của tấm lòng yêu nước, biết tủi nhục trước cảnh nô lệ, biết tôn trọng truyền thống đạo đức của dân tộc. Ông điều chế cho mình một kháng thể tinh thần độc đáo bằng cách tìm đến một bầu không khí khác hẳn, trút hết mọi thứ khệnh khạng trở về với hồn thơ tươi trẻ, thân mật nhưng không hề thoát li hiện thực cuộc sống. Để từ đó, Tú Xương cống hiến cho văn học trung đại nhiều giọng thơ đặc sắc. Tiếng cười trong thơ ông là tiếng cười đa âm, đa điệu. Bên cạnh giọng cười, Tú Xương còn đóng góp một giọng điệu mới mẻ, đó là giọng tâm tình. Chỉ đến Tú Xương, cái giọng tâm tình mới đủ xương thịt và hồn vía để nổi bật lên thành nét đặc trưng của giọng điệu thơ. Cuối cùng cần phải kể đến chất giọng dân gian, vận dụng ngôn ngữ dân tộc gắn liền với xu hướng bình dị hóa trong thơ ông. Nhiều hình tượng nghệ thuật, nhiều cách diễn đạt của quần chúng trong kho tàng văn học dân gian khi đi vào thơ Tú Xương đã được thêm nghĩa, thay từ, được tô điểm làm nên sự hấp dẫn đối với người đọc. Nếu như giọng tâm tình, giọng cười biến hóa chỉ gắn với từng mảng thơ trữ tình hoặc trào phúng thì chất giọng dân gian lại xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Tú Xương. Trước hết đó là sự tiếp thu hệ thống hình tượng nghệ thuật và hệ thống tục ngữ, thành ngữ. Văn học dân gian đã để lại nhiều hình tượng nghệ thuật độc đáo cho nền văn học viết. Tài năng của mỗi nhà văn, nhà thơ đời sau là ở chỗ biết vận dụng những hình tượng giàu tính thẫm mĩ vào văn chương của mình nhằm để phục vụ cho ý đồ sáng tạo của riêng họ, không những thế còn phát huy năng lượng trong mỗi hình tượng nghệ thuật lên giá trị cao nhất. Tú Xương bằng tài hoa của mình đã thực hiện được điều đó. Không lấy đâu xa, bài thơ Thương vợ đã sử dụng hình ảnh “thân cò”. Xét trong nội hàm bài thơ, hình ảnh này khiến ta liên tưởng đến số phận người phụ nữ tần tảo, cực khổ, vất vả trong xã hội phong kiến xưa. Đồng thời người đọc còn mở rộng trường liên tưởng tới câu ca dao: Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Thế nhưng “con cò” trong ca dao xưa còn được “khóc nỉ non” cho vơi nỗi buồn khổ, thì “thân cò” trong thơ ông – hình ảnh của bà Tú lại không thể có cơ hội để thở than đó. Một mình bà Tú phải nuôi “năm con với một chồng”, còn phải lặn lội xuôi ngược, buôn thúng bán mẹt, phải ngoa ngoắt, phải gồng mình vì cuộc sống mưu sinh. Lấy hình tượng trong ca dao, Tú Xương đã thể hiện được trọn vẹn hoàn cảnh cuộc đời người phụ nữ gắn với nỗi khổ đau truyền kiếp trong xã hội xưa, cũng như vẻ đẹp, phẩm chất ngàn đời của họ. Không những tiếp nối đúng giá trị các hình tượng nghệ thuật trong văn học dân gian, nhà thơ còn sáng tạo bằng sự “khúc xạ” về mặt nghĩa. Nếu như trong quan niệm của quần chúng nhân dân, chú Cuội đại diện cho sự ranh mãnh, tài nói dối thì trong thơ ông, hình tượng đó đã mang ý nghĩa khác, đó là hình ảnh của con người bất tài, vô dụng: Nếu đã khôn ngoan đã vợ nhờ, Dại mà nhờ vợ, vợ làm ngơ. Sáng nem bữa tối đòi ăn chả, Nay kiệu, ngày mai lại giở cờ. Ngồi đấy chẳng hơn gì chú Cuội (Ta chẳng ra chi) Hình tượng chú Cuội còn mang ý nghĩa mới, tiêu biểu cho kẻ phàm tục lọt vào nơi thanh quý: Ta thấy người ta vẫn bảo rằng: Bảo rằng thằng Cuội ở cung trăng. Cõi đời cũng lắm nơi thanh quý, Chị Nguyệt dung chi đứa tục tằn. (Gái góa nhà giàu) Thấy được sự khắc biệt về ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật dân gian trong thơ Tú Xương từ đó mở rộng thêm nhiều trường nghĩa. Khẳng định văn chương Tú Xương sử dụng nhiều hình tượng giàu tính nghệ thuật nhưng không hề xa rời thực tế, vẫn là cái nhìn theo sát cuộc sống đen tối biểu hiện sự khinh khi, căm giận của một tấm lòng với đất nước, quê hương. Bên cạnh hệ thống tình tượng, thơ Tú Xương còn tiếp thu một khối lượng lớn thành ngữ, tục ngữ dân gian. Thống kê thơ văn Tú Xương, có thể nói ông đã đưa khoảng 50 thành ngữ, tục ngữ vào trong thơ mình dưới nhiều dạng thức khác nhau Ở dạng nguyên vẹn: - Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố (Chồng chung vợ chạ) (Thất điên bát đảo) Dạng rút gọn: - Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi (Cố đấm ăn xôi) - Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn (Mẹ tròn con vuông) Nhưng có lẽ độc đáo và sáng tạo nhất là trường hợp ông chia tách, đảo vị trí từ hoặc chen từ vào để tạo ra nghĩa mới: - Năm nắng mười mưa dám quản công (Một nắng hai sương) - Công nợ bớp bơ hình chúa chổm (Nợ như chúa chổm) - Được voi tấp tểnh lại đòi tiên (Được voi đòi tiên) Sử dụng thành ngữ, tục ngữ một cách tài tình, linh hoạt như vậy, Tú Xương đưa tới hai mục đích. Thứ nhất, mượn ngay nội dung để trực tiếp làm ý diễn đạt, lúc này thành ngữ hay tục ngữ sẽ đảm nhiệm vai trò là ý chính hoặc một phần ý của câu. Mục đích thứ hai, ông dùng chúng làm điểm tựa, cơ sở cho ý thơ. Nhìn vào tín hiệu trên bề mặt câu chữ, người đọc vẫn có thể liên tưởng tới câu thành ngữ, tục ngữ nào, mà còn hiểu sâu hơn ý tứ đằng sau câu nói của ông: - Kể chi giàu của lại giàu con (Đông con hơn đông của) - Mới ngày nào chị mua muối cùng tôi Ngoảnh mặt lại hàng vôi nay đã bán (Đầu năm mua muối/ Cuối năm mua vôi). Dù vận dụng dưới hình thức nào hay nhằm mục đích gì, hệ thống hình tượng nghệ thuật hay thành ngữ, tục ngữ đi vào thơ ông đều mang một sinh mệnh mới, tăng hiệu quả diễn đạt ý nghĩa cho câu thơ. Một trong những biểu hiện của sự vận dụng, kế thừa chất giọng dân gian trong thơ Tú Xương đó là cách ví von so sánh. Đây là thủ pháp quan trọng trong thơ ca bởi nhờ nó, thơ được thổi hồn, giàu hình ảnh. Nhìn chung thơ văn trung đại do chịu ảnh hưởng của đặc trưng thi pháp mang tính quy phạm, hệ thống hình ảnh dùng để so sánh thường là các yếu tố thiên nhiên. Thứ thiên nhiên tao nhã, trang trọng mang tính chất ước lệ tượng trưng: ”Áo chàng đỏ tựa ráng pha Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in” (Chinh phụ ngâm) ”Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” (Truyện Kiều) Thế nhưng trong thơ Tú Xương, dường như ông đoạn tuyệt hẳn với ”sơn”, ”thủy”, ”tùng”, ”cúc”, ”trúc”, ”mai”, ”lan”... để tìm về những cái gần gũi hơn, có thể nói đọc thơ Tú Xương, ta bắt gặp một hành trình trở về với cuộc sống bình dị của thơ ca trung đại, gói gọn trong cụm từ xu hướng bình dị hóa. Ngoài việc sử dụng những hình ảnh ví von có trong tục ngữ, thành ngữ, Tú Xương còn có cách diễn đạt của riêng mình: - Râu rậm như chổi, Đầu to tày giành. - Đầu như lươn đất mà không lấm. - Ngồi đấy chả hơn gì chú Cuội. - Chuyện nở như gạo vàng... Với hình ảnh so sánh độc đáo như vậy, thơ Tú Xương không còn cái vẻ trang trọng, kiểu cách và uyên bác thường thấy của văn học viết nữa mà rất gần gũi với những gì thô ráp, xù xì của cuộc sống bình dị. Nhận xét về sáng tác của Tú Xương, Nguyễn Công Hoan viết: ”Ta biết nhìn Tú Xương qua sáng tác của ông. Và ở điểm này, ta đã học tập được ở ông rất nhiều: ông lấy ngay đề tài trước mắt để sáng tác. Ông sử dụng ngôn ngữ tài tình, lời văn của ông không cầu kì, rất đâị chúng và tràn đầy dân tộc tính, nghĩa là giản dị, sáng sủa, gẫy gọn, vui tươi, tràn đầy sức sống một cách rất Việt Nam”. Thơ Tú Xương chất phác nhưng không kém phần sâu sắc, chua cay đến vậy. Lời thơ như lời nói thông thường, tươi mát, tự nhiên mà vẫn thanh nhã, óng chuốt bởi đó là lời ăn, tiếng nói hàng ngày của nhân dân vang vọng vào trong từng câu chữ. Thế nhưng sự vận dụng ngôn ngữ đó không hề làm lu mờ những gì thuộc về riêng ông. Bằng tài năng của mình, nhà thơ Tú Xương đã góp phần vào cách tân thơ Việt Nam, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi văn học Việt Nam từ phạm trù văn học trung đại sang văn học hiện đại.
File đính kèm:
- bài viết chuyên môn đợt 1.doc