Kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố năm học 2011 - 2012 môn: Ngữ Văn

Câu 1: (8,0 điểm)

 Viết một bài văn nghị luận nhỏ (hoặc một đoạn văn nghị luận hoàn chỉnh có độ dài không quá một trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương.

Câu 2: (12,0 điểm)

 Giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. (Ngữ văn 9 - tập 1)

 

doc2 trang | Chia sẻ: namphuong90 | Lượt xem: 1079 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố năm học 2011 - 2012 môn: Ngữ Văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT HOÀ BÌNH KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ
PHÒNG GD&ĐT TP HOÀ BÌNH Năm học 2011 - 2012 
 MÔN: NGỮ VĂN 
 Ngày thi : ..........................
 Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (8,0 điểm)
	Viết một bài văn nghị luận nhỏ (hoặc một đoạn văn nghị luận hoàn chỉnh có độ dài không quá một trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương.
Câu 2: (12,0 điểm)
	Giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. (Ngữ văn 9 - tập 1)
.............................. Hết ...............................
SỞ GD&ĐT HOÀ BÌNH KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ
PHÒNG GD&ĐT TP HOÀ BÌNH Năm học 2011 - 2012 
 ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM MÔN: NGỮ VĂN 
 Ngày thi : ..........................
Câu 1: (8,0 điểm)
	Thực hiện theo yêu cầu của đề: HS có thể viết bài văn nhỏ (có đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài) hoặc đoạn văn hoàn chỉnh (có câu mở đoạn, các câu phát triển đoạn và câu kết đoạn) với dung lượng khoảng 1 trang giấy thi. Cách trình bày có thể khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung chính là nêu suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của tình yêu thương. Bài có thể hướng tới một số ý như sau:
	- Tình yêu thương là một khái niệm rộng: tình yêu thương của những người thân trong gia đình, tình yêu thương đối với bạn bè, làng xóm, quê hương, với những người gặp cảnh ngộ bất hạnh... và lớn hơn là tình yêu thương của con người đối với con người.
	- Tình yêu thương đem đến cho con người niềm vui và hạnh phúc (với cả người trao và cả người nhận), cho con người ta niềm tin yêu, tiếp thêm sức mạnh để con người ta sống tốt hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách...
	- Tình yêu thương giúp con người ta sống cao thượng, nhân hậu, vị tha, cho cuộc sống những điều tốt đẹp hơn. Tình yêu thương đồng hành cùng những cách ứng xử có văn hoá...
	- Tình yêu thương biểu hiện đúng lúc còn có thể cảm hoá được cái xấu, bắc nhịp cầu nhân ái, xoá bỏ mọi ngăn cách, hận thù... giúp con người ta dễ dàng có cơ hội từ bỏ bóng tối, từ bỏ con đường lầm lỗi để trở về với cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng.
* Lưu ý: đây là đề bài “mở” nên HS có thể có những cách trình bày khác nhau, khuyến khích những HS có khả năng liên hệ kiến thức lịch sử, xã hộ, văn học... đưa vào bài làm (Ví dụ: tình yêu thương gia đình trong bài văn “lạ” gây xôn xao dư luận của Nguyễn Trung Hiếu - HS trường Amxtecdam; tình yêu thương cảm hoá tù nhân của cán bộ quản giáo,tình yêu thương trong văn học, tình yêu thương của cả dân tộc Việt Nam ngày nay đối với những hoàn cảnh khó khăn, những vùng bão lũ...)
Câu 2: (12,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Đây là nghị luận văn học về giá trị nhân đạo của hai tác phẩm trung đại được học trong chương trình Ngữ văn 9, kì I. Vì vậy, trước hết yêu cầu HS phải viết đúng kiểu bài nghị luận văn học, biết khai thác vấn đề một cách tổng hợp (không phân tích lần lượt từng tác phẩm). Bài làm đảm bảo bố cục 3 phần. Về cơ bản cần có những ý chính sau:
- Về nội dung: (10,0 điểm)
a. Mở bài: (1,0 điểm)
- Khái quát về vị trí của giá trị nhân đạo trong văn học nói chung và văn học trung đại nói riêng.
- Dẫn dắt vào đề bài: giá trị nhân đạo của “Truyện Kiều” và “Chuyện người con gái Nam Xương” (nêu luận điểm cụ thể).
b. Thân bài: (8,0 điểm)
- HS nêu cách hiểu về giá trị nhân đạo: là yêu thương con người, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người, lên án những thế lực bạo tàn chà đạp lên con người, bảo vệ quyền sống và quyền hạnh phúc của con người, nhất là người phụ nữ...
- Những biểu hiện của giá trị nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ: 
+ Trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp và những phẩm chất tốt đẹp của con người: (nêu và phân tích dẫn chứng: Thuý Kiều tài sắc vẹn toàn, chung thuỷ, hiếu nghĩa... Vũ Nương tư dung tốt đẹp, tính tình thuỳ mị nết na, đảm đang, hiếu nghĩa, vị tha...)
+ Lên án những thế lực bạo tàn (xã hội phong kiến bất công thối nát, những hủ tục nặng nề, quan niệm trọng nam khinh nữ...) đã đẩy người phụ nữ vào những cảnh ngộ bất hạnh (nêu và phân tích dẫn chứng: vụ án oan của gia đình Kiều đẩy Kiều vào cảnh mười lăm năm lưu lạc “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”; thái độ của người chồng đa nghi, ít học khi chinh chiến trở về trong xã hội nam quyền đẩy Vũ Nương đến cái chết đầy oan ức...)
+ Các tác giả đều thể hiện thái độ đồng cảm, xót thương những số phận bất hạnh (kể cả Đạm Tiên: “Sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng”...). Vì vậy các tác giả đều cố gắng tạo những kết thúc có hậu, đầy dư âm, ám ảnh (nêu và phân tích dẫn chứng: cảnh Vũ Nương trở về, cảnh Thuý Kiều đoàn viên cùng gia đình..) 
Kết bài: (1,0 điểm)
- Khẳng định giá trị nhân đạo đã góp phần quan trọng quyết định giá trị của mỗi tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng (với các tác phẩm cùng chủ đề; với các tác phẩm giai đoạn khác, với xã hội hôm nay...)
* Về hình thức: (2,0 điểm)
- Bài viết có bố cục rõ ràng, mạch lạc, văn viết có cảm xúc.
- Chữ viết sạch sẽ, dùng từ, viết câu chuẩn mực, sai không quá 5 lỗi chính tả.

File đính kèm:

  • docde thi HSG 20111012.doc