Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2013-2014 - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương (Có đáp án)

Câu 3 ( 5 điểm):

 Điều còn lại mà chiến tranh không thể lấy đi trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

 

doc4 trang | Chia sẻ: thúy anh | Ngày: 11/05/2023 | Lượt xem: 205 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2013-2014 - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2013 - 2014
Môn: Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi 20 /3/ 2014
(Đề thi gồm: 01 trang)
Câu 1(2điểm):
Gặp gỡ và sáng tạo của các nhà thơ qua những câu thơ sau:
	“ Cỏ non xanh tận chân trời
	Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
	(Trích “Truyện Kiều”- Nguyễn Du)
	“Mọc giữa dòng sông xanh
	 Một bông hoa tím biếc”
	(Trích “Mùa xuân nho nhỏ”- Thanh Hải)
Câu 2 (3 điểm):
Câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn
	Mùa xuân đất trời rất đẹp. Dế Mèn thơ thẩn ở cửa hang, hai con Chim Én thấy tội nghiệp bèn rủ Dế Mèn dạo chơi trên trời. Mèn hốt hoảng. Nhưng sáng kiến của Chim Én đưa ra rất giản dị: Hai chú Chim Én ngậm hai đầu của một cọng cỏ khô, Mèn ngậm vào giữa. Thế là cả ba cùng bay lên. Mây nồng nàn, trời đất gợi cảm, cỏ hoa vui tươi, Dế Mèn say sưa.
	Sau một hồi miên man, Mèn ta chợt nghĩ bụng: “Ơ hay việc gì ta phải gánh hai con Én này trên vai cho mệt nhỉ? Sao ta không quẳng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không?”. Nghĩ là làm, Mèn há mồm ra. Nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành.
(Theo Đoàn Công Huy trong mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa học trò)
	Suy nghĩ của em từ câu chuyện trên?
Câu 3 ( 5 điểm):
	Điều còn lại mà chiến tranh không thể lấy đi trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Hết
Họ và tên thí sinh:Số báo danh..
Chữ kí của giám thị 1:Chữ kí của giám thị 2:
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
BẢN CHÍNH
HƯỚNG DẪN CHẤM – THANG ĐIỂM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2013 - 2014
Môn: Ngữ văn
 (Hướng dẫn chấm gồm: 03 trang)
HƯỚNG DẪN CHẤM
A. YÊU CẦU CHUNG
 - Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lý; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
 - Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
Lưu ý: Điểm bài thi có thể để lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (2 điểm):
	Thí sinh có thể làm theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
	- Giới thiệu những nét cơ bản về các tác giả, tác phẩm, câu thơ (0,25 điểm).
	- Chỉ ra sự tương đồng (0,75 điểm):
	+ Bức tranh mùa xuân tươi tắn, tràn đầy sức sống; đều có những tín hiệu đặc trưng của mùa xuân.
	+ Bút pháp: Giàu chất hội họa, bức tranh có đường nét, màu sắc hài hòa, thanh nhã.
	+ Cảm xúc của thi nhân: thiết tha, say sưa, thể hiện tình yêu mùa xuân tha thiết.
	- Sáng tạo riêng của các nhà thơ (0,5 điểm):
	+ Mỗi tác giả lại chọn những hình ảnh thơ khác nhau: Trong thơ của Nguyễn Du là “cỏ non”, “hoa lê” tạo ra bức tranh xuân khoáng đạt, trong trẻo, tinh khôi; trong thơ của Thanh Hải lại là “dòng sông”, “bông hoa tím” để tạo nên bức tranh thơ mộng, dịu dàng rất Huế.
	+ Vận dụng các thể thơ khác nhau: Thể thơ lục bát tạo âm hưởng ngọt ngào trong thơ của Nguyễn Du, còn Thanh Hải với thể thơ ngũ ngôn gợi chất nhạc thiết tha, trong sáng.
- Đánh giá (0,5 điểm):
 	+ Sự gặp gỡ là do các nhà thơ đều có chung một nguồn thi hứng.
	+ Sự sáng tạo là yếu tố quan trọng của thi ca, điểm khác nhau ở những câu thơ là do hai nhà thơ ở hai thời đại khác nhau và tâm thế sáng tạo của mỗi thi nhân cũng khác nhau.
	+ Hai nhà thơ đã góp vào thi ca những vần thơ tuyệt tác.
Câu 2(3 điểm):
1. Yêu cầu:
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.
- Bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
* Giải thích:
- Phân tích ngắn gọn câu chuyện để thấy:
+ Từ một người chịu ơn, Dế Mèn ảo tưởng là người ban ơn.
+ Từ một người nhận Dế Mèn nghĩ mình là người cho.
+ Từ sự hợp tác và chia sẻ để mọi người cùng có lợi, Dế Mèn ích kỉ, toan tính nên bị rơi vèo xuống mặt đất.
- Vấn đề nghị luận rút ra từ câu chuyện: Tác hại của sự ngộ nhận, ảo tưởng về bản thân, sai lầm trong nhận thức.
* Phân tích, lí giải:
Những điều con người thường mắc khi sai lầm trong nhận thức, ngộ nhận, ảo tưởng về bản thân:
+ Sai lầm trong đánh giá về bản thân (đánh giá mình quá cao; không nhận ra được ưu điểm, nhược điểm của mình và của người khác).
+ Sai lầm trong hành động (cư xử không phù hợp với hoàn cảnh; ảnh hưởng tới các mối quan hệ, mất đi sự hợp tác và chia sẻ; có thể dẫn đến tai họa cho bản thân).
+ Biến mình thành trò hề, lố bịch .
* Bàn luận
- Giá trị của câu chuyện: Nhắc nhở chúng ta phải biết nhận thức đúng đắn về bản thân, nâng cao hiểu biết trong ứng xử.
- Phê phán cách nhìn thiển cận, ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân- đây là “căn bệnh” thường gặp ở tuổi trẻ.
- Liên hệ và rút ra bài học:
+ Cần biết lắng nghe, trải nghiệm cuộc sống, trau dồi hiểu biết để đánh giá đúng mình và đúng người.
+ Biết quan tâm, chia sẻ, hợp tác, tránh lối sống ích kỉ, toan tính.
2. Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 3: Bài làm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức. Văn viết mạch lạc, trôi chảy, giàu hình ảnh, cảm xúc, có tính phát hiện.
- Điểm 2: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu cơ bản. Bài rõ ý, kết cấu hợp lý song có thể còn mắc lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ.
- Điểm 1: Bài làm được một nửa số ý. Mắc một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc làm hoàn toàn lạc đề.
*Tùy bài làm cụ thể của thí sinh, giám khảo cho các thang điểm lẻ thích hợp
Câu 3: (5 điểm)
1. Yêu cầu:
a. Yêu cầu về kĩ năng
- Bài làm có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài hoàn chỉnh, mạch lạc.
- Biết vận dụng linh hoạt các phép lập luận đã học.
- Diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc.
- Không mắc lỗi về câu, từ, chính tả.
b. Yêu cầu về kiến thức: 
Bài làm có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, trích dẫn ý kiến.
- Giải thích:
+ Điều còn lại: những điều thiêng liêng có giá trị vượt lên trên sự hủy diệt của chiến tranh, vượt lên trên thời gian để tồn tại vĩnh cửu.
+ Tính chất của chiến tranh: tàn khốc, hủy diệt, gây ra sự sinh ly tử biệt.
+ Trong truyện “Chiếc lược ngà”, chiến tranh đã tàn phá thân thể, lấy đi sinh mạng, gây ra đau thương, chia cắt tình cảm của con người. 
- Những điều còn lại mà chiến tranh không thể lấy đi trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”:
+ Lí tưởng sống cao đẹp, lòng yêu nước (người chiến sĩ cách mạng không đánh mất mình, luôn kiên định với lí tưởng sống cao đẹp).
. Sẵn sàng từ giã vợ trẻ, con thơ để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.
. Nén tình riêng để tiếp tục ra đi sau những ngày nghỉ phép.
. Hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước.
. Thế hệ sau lại tiếp bước thế hệ cha anh.
+ Chiến tranh không thể lấy đi tình người:
. Tình đồng chí, đồng đội, tình làng xóm.
. Tình cảm gia đình.
(Thí sinh phải phân tích kĩ tình phụ tử của cha con anh Sáu)
+ Chiến tranh không thể lấy đi niềm tin của con người
. Anh Sáu và bé Thu đều có niềm tin ngày đất nước hòa bình
. Tác giả tin vào sự kết nối tình cảm của những người còn sống: mối quan hệ giữa bác Ba và bé Thu.
- Đánh giá, khẳng định lại vấn đề:
+ Khẳng định, đề cao vẻ đẹp của con người đó là chất nhân văn trong tác phẩm. 
+ Truyền cho bạn đọc lòng yêu nước, tự hào về con người Việt Nam.
2. Tiêu chuẩn cho điểm:
	- Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có sự sáng tạo, văn viết sinh động, giàu cảm xúc.
	- Điểm 4: Bài viết đủ ý cơ bản, văn viết mạch lạc, ít mắc lỗi diễn đạt.
	- Điểm 3: Đáp ứng một nửa yêu cầu, mắc một số lỗi về diễn đạt.
	- Điểm 2: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
	- Điểm 1: Bài viết quá sơ sài, nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
	- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
*Tùy bài làm cụ thể của thí sinh, giám khảo cho các thang điểm lẻ thích hợp

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_tinh_mon_ngu_van_lop_9_nam_hoc_201.doc